Theo dòng sự kiện đang nổi hiện nay về việc sao kê tài khoản làm từ thiện, “tạm khóa báo có” tài khoản cũng trở thành chủ đề bàn luận của nhiều người. Tuy nhiên, thuật ngữ này vẫn còn khá xa lạ, ít được biết đến rộng rãi. Trong bài viết này, The Mastro sẽ giúp các bạn hiểu rõ “tạm khóa báo có” thực chất là gì.
Tạm khóa báo có là gì?
Tạm khóa báo có được hiểu là tạm thời khóa tài khoản thanh toán, tức ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có tại tài khoản của khách hàng. Khi tài khoản trong tình trạng tạm khóa báo có, chủ tài khoản sẽ không nhận được tiền đến nhưng chuyển tiền đi vẫn bình thường.
Tạm khóa báo có xảy ra khi nào?
Về phía khách hàng, tạm khóa báo có có thể xảy ra khi khách hàng chủ động yêu cầu. Tuy nhiên trong một số trường hợp bất đắc dĩ buộc khách hàng phải làm như vậy. Chẳng hạn khi thẻ bị mất cắp hoặc xuất hiện các cuộc giao dịch mạo danh, chủ tài khoản buộc phải liên hệ với ngân hàng để yêu cầu tạm khóa báo có. Đây là những trường hợp thường thấy nhất.
Ngoài ra, khi phía ngân hàng phát hiện lỗi giao dịch hoặc khi có văn bản yêu cầu sao kê của cơ quan có thẩm quyền, tài khoản cũng có thể tạm khóa.
Tuy nhiên, trong những trường hợp kể trên, giao dịch thường sẽ bị treo trong 1 – 2 ngày làm việc, sau đó tài khoản vẫn hoạt động lại bình thường. Các bạn cũng cần phải lưu ý, trong khoảng thời gian này, tiền chỉ được hoàn về cho người gửi khi có yêu cầu từ phía người nhận. Còn đối với tình trạng sau 2 – 3 ngày làm việc mà tài khoản vẫn bị treo, tiền sẽ tự động được hoàn về tài khoản người gửi.
Bên cạnh đó, Điều 16, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 đã quy định rõ: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
Khi yêu cầu thực hiện khóa chiều ghi có của khách hàng bắt đầu có hiệu lực, tài khoản sẽ “không ghi có” bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm này. Ở Vietcombank, ngân hàng này sẽ xử lý theo nguyên tắc sau:
– Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống VCB và chuyển tiền nhanh 24*7 ngoài hệ thống qua Napas, hệ thống sẽ hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn không cho thực hiện giao dịch.
– Đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước và các giao dịch chuyển đến từ nước ngoài: khi VCB nhận được các giao dịch chuyển đến này sẽ thực chuyển trả lại ngân hàng chuyển để ngân hàng này chuyển tiền trả lại người chuyển tiền. Thời gian xử lý giao dịch tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (giao dịch qua IBPS) và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài.
Trường hợp chủ tài khoản nhận được thông báo tạm khóa báo có
Chắc hẳn đây là điều mà khách hàng ít mong muốn nhất. Tuy nhiên vì để đảm bảo lợi ích cho đôi bên, ngân hàng phải đưa ra thông báo yêu cầu “Tạm khóa báo có”. Cụ thể trong các trường hợp sau:
- Khi khách hàng nhận được yêu cầu từ cơ quan pháp lý liên quan đến việc thẩm tra tài khoản.
- Khi xảy ra sai sót trong quá trình thanh chuyển khoản. Lúc này ngân hàng sẽ báo lỗi và tạm thời khóa tài khoản khách hàng để kiểm tra và giải quyết.
- Khi tài khoản dùng chung của nhiều người có những nhầm lẫn hoặc sai sót cần phải làm rõ.
Khi giải quyết xong những bất trắc này, nếu không có sai phạm gì nghiêm trọng, tài khoản của khách hàng sẽ trở về trạng thái bình thường.
Ngoài ra, các bạn cần nên lưu ý và hiểu rõ hơn một số trường hợp khác liên quan đến tài khoản ngân hàng như phong tỏa tài khoản thanh toán. Tài khoản bị phong tỏa chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý (sai phạm, mâu thuẫn giữa chủ tài khoản) hoặc xảy ra nhầm lẫn khi giao dịch. Phong tỏa tài khoản thanh toán hết hiệu lực khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc các tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều, Điều 12 tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán (số 10/VBHN-NHNN) đã được giải quyết.
Như vậy, yêu cầu tạm khóa báo có thực sự cần thiết trong một số trường hợp. Hi vọng qua bài viết trên của The Mastro, các bạn đã nắm được định nghĩa và quy định sử dụng tạm khóa báo có để có thể ứng dụng yêu cầu này dễ dàng hơn trong cuộc sống.