IPO là viết tắt của cụm từ Initial Public Offering, có nghĩa là “Lần đầu tiên phát hành ra công chúng”. Nếu bạn là người đam mê đầu tư chứng khoán, chắc hẳn bạn không thể bỏ qua IPO. Cùng tìm hiểu rõ hơn về IPO qua bài viết sau.
Nếu bạn là người đam mê đầu tư chứng khoán, chắc hẳn bạn không thể bỏ qua IPO. Vậy IPO là gì? IPO liên quan như thế nào đến các giao dịch trên sàn chứng khoán? Hãy cùng The Mastro tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
IPO là gì?
IPO là viết tắt của cụm từ Initial Public Offering, có nghĩa là “Lần đầu tiên phát hành ra công chúng”. Hiểu cụ thể hơn, IPO là hoạt động của các doanh nghiệp lần đầu tiên mở bán công khai cổ phiếu bằng việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Việc làm này nhằm mục đích thu hút và huy động vốn cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại sao phải IPO?
Mục đích lớn nhất của việc IPO đó là gia tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn có được nguồn vốn dồi dào để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển hoạt động kinh doanh và thu lại nhiều lợi nhuận. Thông qua việc phát hành các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp thu về được một lượng lớn tiền mặt, tài chính ổn định nhằm đảm bảo các hoạt động lâu dài cho doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, sau khi quyết định thực hiện IPO mà nhu cầu của thị trường có sự biến đổi, các công ty có thể phát hành thêm cổ phiếu. Thông qua việc mua bán cổ phiếu trên sàn giao dịch, các công ty lớn có thể mua lại hay sáp nhập các công ty nhỏ lẻ để mở rộng phạm vi. Đồng thời, cổ phần hóa cũng là một trong những hình thức giúp nhân viên có thể có được một lượng cổ phần nhất định từ công ty chủ quản.
Điều kiện để IPO?
Không phải doanh nghiệp nào muốn IPO trên sàn chứng khoán cũng được, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn còn vốn nhỏ, chưa ổn định, chưa có doanh tiếng hoặc chưa có kế hoạch cụ thể trước khi tung cổ phiếu lên sàn. Về vấn đề này, Luật Chứng khoán năm 2019 có quy định rõ:
“Cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lần đầu tiên được phát hành ra công chúng phải được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm cả Internet.”
Điều kiện chào bán IPO
Đồng thời, theo Điều 15 – Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp cần phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu sau:
a) Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
b) Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
c) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
d) Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
đ) Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
e) Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
g) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
h) Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
i) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Hồ sơ đăng ký chào bán IPO
Điều 18 Luật chứng khoán cũng nêu rõ Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:
a) Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;
b) Bản cáo bạch;
c) Điều lệ của tổ chức phát hành;
d) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
đ) Văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật này;
e) Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
g) Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;
h) Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;
i) Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).
Sau khi đáp ứng hết các yêu cầu và thủ tục gắt gao trên, doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua các cách sau: nhờ vào các phương tiện thông tin đại chúng; đấu giá kiểu Hà Lan; bảo lãnh cam kết; dịch vụ với trách nhiệm cao nhất; Mua buôn và chào bán lại hoặc là tự phát hành.
IPO đem lại nguồn vốn tiềm năng cho các doanh nghiệp, giúp mở rộng phạm vi sản xuất và tăng trưởng nguồn thu. Tuy nhiên, IPO cũng gây ra khá nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như tạo bất lợi trong việc tính toán hướng phát triển, áp lực về duy trì tốc độ tăng trưởng, dễ mất kiểm soát,… Vì vậy, bạn cần phải nắm rõ kiến thức và duy trì tầm nhìn vững vàng khi IPO để tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. The Mastro chúc bạn thành công!