Vụ Call Margin chấn động nhất trong lịch sử giới tài chính: Mất 20 tỷ USD trong 2 ngày

Vụ sụp đổ của công ty đầu tư tư nhân Archegos Capital Management có danh mục đầu tư lên đến 100 tỷ USD được coi là sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử tài chính hiện đại. Nhân vật trung tâm của sự kiện là ông Bill Hwang, nhà sáng lập quỹ Archegos đã mất 20 tỷ USD chỉ trong hai ngày. Còn các ngân hàng Phố Wall mất 10 tỷ USD hầu như chỉ qua một đêm…
 

Trong giới tài chính, người ta dùng cụm từ “con cá voi” nhằm ám chỉ đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn tới thị trường, nhưng lại chưa từng lộ diện và Bill Hwang chính là một nhân vật như vậy.

Không giống như các “ngôi sao” hay những người đoạt giải Nobel… rất ít người trên phố Wall chú ý đến Hwang trước khi vụ Call Margin lớn nhất trong lịch sử xảy ra.

Bill Hwang là ai?

Là người gốc Hàn Quốc, nhập cư sang Mỹ vào năm 1982, Hwang có khởi đầu khá thuận lợi khi trở thành học trò cưng của nhà đầu tư huyền thoại Julian Robertson và là chuyên viên phân tích ở quỹ đầu cơ lừng danh Tiger Management.

“Lò luyện” Tiger Management đã đào tạo ra rất nhiều “hổ non”, những người  đã thành lập hàng loạt quỹ đầu cơ thành công như Viking Global Investors, Coatue Management hay Tiger Global Management. Bản thân Hwang sau này cũng thành lập quỹ Tiger Asia cho riêng mình và thu về trái ngọt, lượng tài sản Tiger Asia nắm giữ có lúc đã tăng tới 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, một rắc rối lớn đã xảy ra đủ để khiến quỹ này sụp đổ. Vào năm 2012, SEC buộc tội Tiger Asia giao dịch nội gián và thao túng cổ phiếu 2 ngân hàng Trung Quốc. Hwang bị cấm tham gia vào ngành tư vấn đầu tư trong 4 năm và phải trả 60 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự và dân sự.

Dường như chưa rút ra được nhiều bài học cho vụ việc, Hwang dồn 200 triệu USD còn lại để thành lập quỹ Archegos, mở màn cho vụ sụp đổ tiếp theo có quy mô to lớn hơn.

Vụ Call Margin chấn động nhất trong lịch sử
Vụ Call Margin chấn động nhất trong lịch sử

Archegos – Quỹ đầu tư siêu lợi nhuận và siêu rủi ro

Tại Archegos, Bill Hwang được coi là nhà giao dịch vĩ đại khi xây dựng đế chế với tốc độ chóng mặt. Những khoản đầu tư lớn đặt vào mã cổ phiếu công nghệ như Amazon, Expedia Group, LinkedIn hay Netflix …  khiến Archegos thắng liên tục. Với khoản tiền vốn 200 triệu USD ban đầu, công ty đã có 4 tỷ USD vào năm 2017.

Lợi nhuận khổng lồ khiến Bill Hwang quyết định thực hiện một bước đi siêu lợi nhuận và siêu rủi ro: Gia tăng tỷ lệ vay để mua chứng khoán. Ban đầu tỉ lệ này chỉ khoảng “2x”, có nghĩa cứ mỗi 1 triệu USD tiền vốn, công ty sẽ vay ngân hàng thêm 1 triệu USD nữa. Tới cuối tháng 3/2021, tỉ lệ này đã là “5x”, có nghĩa với 1 triệu USD tiền vốn, công ty vay thêm 5 triệu USD.

Một câu hỏi mà nhiều người có thể thắc mắc: Tại sao các nhà quản lý, các ngân hàng và quỹ đầu tư tài chính lại đồng ý cho Hwang vay nhiều tiền và thực hiện một bước đi rủi ro tới vậy?

Câu trả lời là: Hwang đã sử dụng hợp đồng hoán đổi (swap) để qua mặt họ.

Trong một hợp đồng hoán đổi điển hình, Hwang sẽ sử dụng tiền vay từ các ngân hàng để mua/bán cổ phiếu. Trong khi Hwang là bên được lãi hoặc chịu lỗ khi cổ phiếu lên hoặc xuống giá, quyền sở hữu cổ phiếu vẫn luôn thuộc về ngân hàng. Trong hồ sơ kê khai gửi lên cơ quan quản lý, cũng chỉ có phía ngân hàng được nêu tên.

Hành động này giúp Hwang không bị lộ danh tính, cũng như lộ quy mô số tiền đã đổ vào từng mã chứng khoán là bao nhiêu. Hơn nữa mỗi ngân hàng chỉ biết chi tiết hợp đồng hoán đổi của riêng họ với Hwang và không nhìn thấy hết các khoản đầu tư của ông ta.

Thế là, trên thị trường chứng khoán, Hwang đã đứng sau một loạt các ngân hàng và quỹ đầu tư như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Credit Suisse và Wells Fargo… liên tục mua vào cổ phiếu của một số công ty trọng điểm như: ViacomCBS, Discovery, GSX Techedu, Baidu, Iqiyi và Vipshop.

Số lượng mua vào là rất lớn. Một ví dụ điển hình là trong hồ sơ gửi tới cơ quan điều hành chứng khoán ngày 30/6/2020, Morgan Stanley mới chỉ sở hữu 5,22 triệu cổ phiếu ViacomCBS. Đến ngày 31/12, con số đã biến thành 44,6 triệu.

Hwang làm điều này mà không bị ai nghi ngờ hoặc cảm thấy có dấu hiệu đáng báo động khi các khoản đầu tư liên tục sinh lời.

Quý IV/2020 là một năm ông ta thành công vang dội, chỉ số S&P 500 tăng trưởng 12%, 7/10 mã cổ phiếu mà ông ta bỏ tiền đầu tư đã tăng hơn 30% giá trị. Trong đó Baidu, Vipshop và Farfetch tăng tới 70% giá trị.

Từ New York, Bill Hwang âm thầm gây dựng lên một khối tài sản khổng lồ, có thời điểm lên tới 30 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Điều này khiến ông ta càng có thêm uy tín để vay thêm tiền và Archegos trở thành một trong những khách hàng được thèm khát và chiều chuộng bậc nhất ở Phố Wall.

Một trong những ngân hàng từng đưa Hwang vào danh sách đen vì quá khứ bê bối của ông ta là Goldman cũng trở nên đỏ mắt vì ghen tị khi các ngân hàng đối thủ liên tục kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Goldman đã nhảy vào cuộc, ký hợp đồng với Archegos vào cuối năm 2020.

Không ai ngờ rằng chỉ vài tuần sau, tất cả đã kết thúc chóng vánh.

Đòn bẩy cao ngất ngưởng sụp đổ trong nháy mắt

Sự kiện đầu tiên dẫn tới màn sụp đổ hoành tráng của Archegos bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 22/3/2021, khi Viacom thông báo sẽ bán ra lượng cổ phiếu và các khoản nợ, có thể quy đổi với tổng giá trị lên tới 3 tỷ USD.

Quyết định này được coi là hợp lý đối với ban quản trị công ty khi cổ phiếu của nó đã tăng lên 3 lần do Bill Hwang nỗ lực mua vào liên tục trong 4 tháng.

Tuy nhiên, đối với Hwang và các ngân hàng thì lại không như vậy. Ngay sau khi thông báo của Viacom được tung ra, giá cổ phiếu của nó đã tụt mất 9% vào ngày hôm sau và tụt 23% vào ngày kế tiếp, đe dọa tới hợp đồng hoán đổi mà ông ta lập với cánh ngân hàng.

Do cổ phiếu tụt giá, Archegos sẽ phải nộp thêm tiền ký quỹ cho phía ngân hàng để gia cố lớp đệm chống rủi ro. Vấn đề là Hwang chỉ đầu tư trọng điểm một vài cổ phiếu và khoản đầu tư hàng tỷ USD vào Viacom khiến công ty lỗ nặng, không có khả năng nộp thêm tiền ký quỹ.

Vài ngân hàng đã liên lạc, kêu gọi Hwang bán cổ phiếu Viacom. Ông ta chắc chắn sẽ lỗ, nhưng Archegos sẽ vẫn sống sót và có thể tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên Hwang không đồng ý.

Đến khi khoản lỗ đã ăn cả vào tiền vốn ban đầu của Hwang, các ngân hàng buộc phải tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với nhau vào ngày 25/3.

Sự việc vỡ lở khi họ phát hiện: Cứ mỗi 20 triệu USD tiền vốn, ông ta đã vay tới 85 triệu USD từ họ để đầu tư cổ phiếu. Trong số 105 triệu USD này, ông ta đầu tư hết 100 triệu USD và chỉ để có 5 triệu USD tiền ký quỹ phòng ngừa rủi ro!

Hiện tại, Archegos và các ngân hàng đều ở trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc: Nếu cổ phiếu Viacom tăng trở lại, tất cả các bên liên quan đều an toàn. Nhưng nếu chỉ một ngân hàng nhụt chí và bán hết cổ phiếu Viacom mà họ mua theo các hợp đồng hoán đổi, hành động này sẽ kéo giá cổ phiếu xuống sâu hơn nữa và gây thiệt hại khổng lồ.

Credit Suisse lựa chọn việc chờ giá tăng trở lại. Nhưng chiều 25/3, Morgan Stanley đã quyết định tự cứu mình trước. Công ty lặng lẽ bán tất cả cổ phiếu có tổng giá trị 5 tỷ USD nằm trong nhiều hợp đồng hoán đổi với Archegos, cho một nhóm quỹ đầu tư.

Hành động của Morgan Stanley đã châm ngòi cho cuộc bán tháo ồ ạt bắt đầu từ ngày 26/3, các danh mục đầu tư của Hwang – bị Goldman, Deutsche Bank AG và Wells Fargo bán theo giao dịch lô lớn. Trong cuộc bán tháo, giới ngân hàng tính toán vốn ròng của Archegos là hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, khi các lệnh bán xuất hiện liên tục, vị thế của Archegos tăng dần từ hàng chục tỷ USD lên 50 tỷ USD, và thậm chí là 100 tỷ USD.

Chỉ vỏn vẹn trong hai ngày, Bill Hwang mất toàn bộ tài sản ước tính 20 tỷ USD và phải tuyên bố phá sản. Về phía các ngân hàng, bên gánh thiệt hại nặng nhất là Credit Suisse (mất 4,7 tỷ USD) và Nomura (mất 2 tỷ USD).

Hậu quả nhãn tiền

Vụ sụp đổ quỹ đầu tư Archegos Capital Management gây chấn động khắp thế giới, từ Washington đến Zurich và Tokyo, khiến cả một mảng kinh doanh sinh lời lớn và có lịch sử lâu đời của ngành ngân hàng toàn cầu phải thay đổi.

Hai ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nhất là Nomura và Credit Suiss đã bắt đầu siết chặt hoạt động cho vay đối với các quỹ đầu cơ và văn phòng quản lý tài sản cho các gia đình (family office). Một số giám đốc điều hành hàng đầu, bao gồm cả người đứng đầu bộ phận đầu tư của ngân hàng đã bị sa thải.

Còn Hwang và công ty đầu tư tư nhân Archegos Capital Management hiện đang là tiêu điểm điều tra của một trong những vụ vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin call) lớn nhất mọi thời đại.

Một năm sau sự kiện, các chủ ngân hàng và chính quyền liên bang vẫn bàng hoàng trước “đống đổ nát”. Các công tố viên Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra và chất vấn: Liệu tất cả những gì đã xảy ra với Archegos là do lòng tham và sự kiêu ngạo của Phố Wall, hay là một vụ lừa đảo do chính Bill Hwang tạo dựng lên?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dj movement – gentle vibes mix 2023 mp3 download xclusivejoy. Chính sách đổi mới và bảo trì máy nghiền bột green life.